Nhiều người cho rằng quá trình lắp đặt máy giặt không quan trọng, nên thường không quan tâm đến công việc này, điều đó hoàn toàn sai. Đã nhiều người bị điện giật gây tử vong vì lắp máy giặt không đúng kỹ thuật, lắp sai vị trí. Để tránh đe dọa đến tính mạng người tiêu dùng nên tham khảo bài viết sau đây để hiểu rõ hơn chiếc máy giặt nhà mình.
Mới đây, được biết Bà Lý Thị Lan ở Gò Vấp, HCM gọi thợ đến sửa chữa máy giặt vì bị điện giật khi ấn nút điều khiển. Theo thói quen, sau khi lấy bàn chải chà sạch những chỗ bẩn trên quần áo rồi mới cho vào máy, chị Lan đã làm nước nhỏ lên bảng điều khiển. Mặc dù đã lấy khăn bông lau khô, nhưng khi lấy tay ấn nút điều khiển, chị giật bắn người vì bị điện giật. Sau khi gọi thợ đến kiểm tra, chị mới biết hiện tượng bị điện giật là do chồng chị rút phích cắm trong quá trình di chuyển. Lúc cắm phích vào đã không cắm đúng chiều.
Tiến sĩ điện lạnh Nguyễn Văn Linh cho biết, hiện tượng sau khi di chuyển đồ dùng sử dụng điện như tủ lạnh, máy giặt, tivi… từ nơi này sang nơi khác lại bị rò điện hoặc ngược lại hết bị rò điện là có trong thực tế. Đôi khi không cần phải di chuyển vị trí, chỉ cần người sử dụng rút phích cắm đồ dùng ra khi không sử dụng, rồi sau đó cắm trở lại cũng có thể xảy ra hiện tượng trên.
Trong thực tế, với nguồn điện 220V hiện nay, ở một số khu vực sử dụng điện hai pha, có một pha (thường gọi là pha nguội) chính là dây tiếp đất sẵn. Do vậy, trong trường hợp khi cắm lại điện cho đồ dùng, người sử dụng có khi vô tình đảo cực phích cắm điện, để cho cực dẫn dòng điện bị rò cắm không đúng vào dây nguội đã được tiếp đất của điện lực thì sẽ xảy ra hiện tượng mát điện hoặc ngược lại sẽ hết mát điện khi cực dẫn dòng cắm vào dây nóng.
Cũng theo anh Nguyễn Văn Linh, hiện tượng sờ vào máy giặt bị điện giật, ngoài nguyên nhân trên, đôi khi còn do người sử dụng đặt máy giặt không đúng chỗ. Nhiều người đặt máy giặt nơi ẩm ướt, không bằng phẳng… cũng có thể dẫn đến hiện tượng bị điện giật như trên.
Một số nguyên tắc cần được tuân thủ
Bởi vậy, việc sử dụng máy giặt trên thực tế không hề đơn giản như các nhà sản xuất quảng cáo. Để tránh những sự cố về máy giặt, theo anh Trần Đức người tiêu dùng cần tuân thủ một số nguyên tắc sau: Không nên lắp đặt máy trong phòng tắm hoặc những nơi ẩm thấp, nơi bị hắt mưa hay có ánh nắng mặt trời soi trực tiếp. Vị trí đặt máy không thích hợp sẽ làm giảm tuổi thọ của máy, gây ra những trục trặc, máy hoạt động sai lệch hay thậm chí bạn có thể bị điện giật. Bạn cũng không nên để máy trong bếp vì các chất dầu mỡ, mặn bám vào vỏ máy sẽ làm gỉ vỏ máy.
Ngoài ra, cần lưu ý khi lắp đường dây cấp điện, đường nước cấp nước thải. Những thiết bị này nên để càng gần nơi đặt máy càng tốt. Để đảm bảo an toàn, trước ổ cắm điện vào máy, người tiêu dùng nên lắp automat loại 2 pha. Mỗi khi giặt hay giặt xong, chỉ cần bật tắt automat, vừa tiện lợi, vừa an toàn vì người sử dụng không phải cầm vào dây cắm điện. Để tránh bị điện giật, người tiêu dùng nên yêu cầu thợ lắp máy nối dây nối đất cho máy đúng kỹ thuật. Rút phích cắm điện khi không sử dụng máy, để các vi mạch điều khiển không bị hư hỏng do phải ngâm điện trong một thời gian dài. Trong trường hợp không phải nối dây nối đất, tốt nhất nên cắm vào ổ cắm 3 pha để tránh dòng điện bị rò.
Một số gia đình có thói quen giặt trước bằng tay rồi mới cho vào máy để giặt hoặc vắt, khi đó cần chú ý tránh nước rớt từ quần áo vào mạch điều khiển gây chạm mạch, hư hỏng làm sai lệch chức năng và nên dàn đều đồ giặt trong máy, tránh để lệch về một góc. Đặc biệt không nên để máy giặt nơi ẩm ướt. Môi trường ẩm thấp sẽ rất dễ gây nên hiện tượng rò điện.
Ngoài ra, người sử dụng máy giặt cần chú ý để tránh những tai nạn không đáng có khác. Không để trẻ em chơi đùa bên trên máy giặt, không cho trẻ nghịch khi máy đang hoạt động. Khi máy giặt đang hoạt động, không cho tay vào thùng giặt hoặc thò tay vào đáy máy, các bộ phận khi quay có thể gây thương tích cho bạn.